Mỹ đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong gần 5 thập kỷ, với giá cả cao và nguồn cung hạn chế. Điều khiến cuộc khủng hoảng này trở nên khác biệt so với những năm 1970 là nguyên nhân cũng như các biện pháp để khắc phục.
Mỹ trải qua một thập kỷ năng lượng giá cả phải chăng, nhờ sự xuất hiện của dầu đá phiến. Đồng thời, năng lượng sạch từ các trang trại điện gió và mặt trời cũng ngày càng ít tốn kém.
Nhưng thời đại năng lượng dồi dào và rẻ đã khép lại. Đầu tư vào sản xuất dầu và khí đốt giảm, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ngổn ngang, kinh tế bất ngờ bị tấn công bởi Covid-19. Gần nhất, khủng hoảng Ukraine gây áp lực lên nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Kết quả là, nhu cầu năng lượng tăng mạnh hơn nguồn cung trong mùa hè này. Lần đầu tiên người Mỹ phải trả hơn 5 USD cho một gallon xăng (3,78 lít). Giá khí đốt dùng để sưởi ấm nhà ở và văn phòng đạt mức cao nhất trong 14 năm. Mọi kho chứa đều thiếu, từ dầu thô cho đến các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ. Các đơn vị vận hành lưới điện cảnh báo nguy cơ mất điện trong những ngày nắng nóng nhất.
Các chính trị gia của cả hai đảng đều không tiên liệu trước cuộc khủng hoảng hiện thời, khiến cho việc giải quyết nó càng khó khăn. Đây là một vấn đề chính trị lớn với Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử quan trọng giữa nhiệm kỳ. Dưới thời của ông, lạm phát cao nhất trong bốn thập kỷ - được thúc đẩy một phần bởi chi phí năng lượng tăng cao.
Năng lượng là một vấn đề chính trị với ông ngay từ tuần đầu tiên nhậm chức, khi ông chặn việc hoàn thành đường ống dẫn dầu Keystone XL và đóng băng các hợp đồng thuê dầu khí mới. Đến khi giá xăng dầu tăng mạnh, ông mới cho nới lỏng chính sách và kêu gọi các công ty dầu khí sản xuất nhiều hơn.
Dù yêu cầu tăng cường sản xuất trước mắt, ông vẫn phản đối các khoản đầu tư dài hạn vào nhiên liệu hóa thạch. Theo các lãnh đạo doanh nghiệp, quan điểm này của tổng thống hé lộ một lời cáo chung của thị trường nhiên liệu hóa thạch, khiến họ khó đầu tư.
Các giếng dầu khí ở Broomfield, Colorado. Ảnh: WSJ
Tín hiệu đáng mừng là giá năng lượng đã giảm trong những tuần gần đây, khi các nhà giao dịch lo ngại một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ kéo giảm việc sử dụng năng lượng. Giá xăng đã giảm xuống dưới 4,3 USD mỗi gallon, một phần do giá quá đắt khiến các tài xế hạn chế đổ xăng hơn.
Ngoài ra, Mỹ cũng có trữ lượng nhiên liệu hóa thạch dồi dào chưa được khai thác và vẫn ở hiện trạng tốt hơn nhiều so với châu Âu, nơi tình trạng thiếu năng lượng trong mùa đông này ngày càng có khả năng xảy ra do nhập khẩu từ Nga giảm dần. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế có thể chỉ làm giảm tiêu thụ tạm thời. Nhu cầu dự kiến tăng trong phần còn lại của thập kỷ, theo S&P Global Commodity Insights.
Cuộc khủng hoảng hiện tại là điều không tưởng với nhiều người trước năm 2020, khi các nhà đầu tư đổ hàng trăm tỷ USD vào những cơ sở hóa dầu mới và các nhà máy điện khí để tận dụng nguồn năng lượng giá rẻ từ dầu đá phiến.
Từ năm 2010 đến 2019, trong khi giá tiêu dùng tăng 19%, giá năng lượng do người tiêu dùng trả - bao gồm xăng, điện và khí đốt tự nhiên - chỉ tăng 11%, theo Bộ Lao động. Nói cách khác, giá năng lượng thực đã giảm khoảng 7%, trái ngược mức tăng 41% trong thập kỷ trước đó.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, năng lượng than, từng là nguồn sản xuất điện hàng đầu trong phần lớn thế kỷ XX, đã nhường ngôi số 1 cho khí đốt năm 2016. Giai đoạn đó, các công ty đổ tiền vào đào dầu đá phiến mà không tính kỹ lợi nhuận.
Cuối cùng, nhiều giếng dầu đá phiến có năng suất thấp hơn và đắt hơn dự đoán, khiến ngành công nghiệp dầu mỏ lỗ đến 300 tỷ USD. Nhà đầu tư chán nản và bắt đầu tháo chạy. Trong khi đó, chi phí đi vay của các công ty dầu mỏ tăng lên, còn ngân sách thì thu hẹp.
Từ đó, các công ty dầu đá phiến và nhà đầu tư giờ thận trọng. Họ không sản xuất đủ năng lượng để theo kịp với nhu cầu gia tăng, ngay cả khi đang lãi lớn nhờ giá tăng cao. Hầu hết ngân sách của các công ty dầu đá phiến vẫn dưới mức trước dịch. Chi tiêu của họ sẽ chỉ tương đương với mức tăng sản lượng 3% trong năm tới, theo JPMorgan Chase & Co.
Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa thể trông cậy hoàn toàn vào năng lượng tái tạo. Những nguồn năng lượng này đã ít tốn kém hơn nhiều trong thập kỷ qua do sản xuất hiệu quả hơn cũng như nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ. Điện tái tạo, tính cả thủy điện, vào năm 2020 đã trở thành nguồn lớn thứ hai sau điện khí.
Nhưng khi nguồn cung cấp điện của Mỹ thắt chặt, các nhà phát triển khó lòng xây dựng các dự án điện tái tạo mới đủ nhanh để kịp bù đắp sản lượng mất đi từ việc đóng cửa các nhà máy cũ. Một phần là do những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó, việc phê duyệt để điện từ các dự án này được đưa lên hòa lưới cũng mất nhiều thời gian hơn.
Theo nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, những yêu cầu hòa lưới đã đạt gần 3.500 đơn vào năm ngoái, so với khoảng 1.000 vào năm 2015. Thời gian điển hình cần thiết để hoàn thành các nghiên cứu kỹ thuật để phê duyệt là hơn ba năm. Năm 2015, cần chưa đến hai năm cho việc này.
Một công nhân kiểm tra cánh quạt tại một trang trại gió ở Reading, Minnesota. Ảnh: WSJ
Thời gian chờ đợi có thể kéo dài với các dự án chẳng hạn như đường dây điện cao thế, đường ống dẫn khí đốt và các trang trại gió ngoài khơi. Nhà chức trách đòi hỏi các nghiên cứu về đất đai và sinh thái mà nhiều bên liên quan cho là rất quan trọng để bảo vệ động vật hoang dã, các ngành công nghiệp lân cận và lợi ích khác.
Xcel Energy, công ty điện trụ sở tại Minneapolis phục vụ các khu vực của tám bang miền Tây và Trung Tây, đang vật lộn với sự chậm lại của các dự án điện mặt trời. Giám đốc điều hành Bob Frenzel cho biết sẽ dễ xoay xở hơn nếu cuộc chiến ở Ukraine, đại dịch và khó khăn chuỗi cung ứng không cùng diễn ra. "Trộn ba yếu tố đó lại thì bạn sẽ có một thách thức lớn hơn", ông nói.
Các hành động của chính phủ Mỹ cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng hiện nay. Với Đạo luật Chính sách Năng lượng năm 1992, họ khuyến khích cạnh tranh giữa các nhà cung cấp điện bán buôn, giảm chi phí cho người tiêu dùng, bán dầu và khí đốt cho người mua nước ngoài và khuyến khích phát triển nhiều nguồn tái tạo.
Ba thập kỷ từ dó, chính phủ nâng giới hạn giá khí đốt tự nhiên và tạo ra các động lực để nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn bén rễ khắp đất nước, với hy vọng thúc đẩy các công nghệ không phụ thuộc vào dầu khí.
Những gì hệ thống mới này tạo ra trong những thập kỷ tiếp theo là sự chắp vá của các thị trường năng lượng rời rạc trên khắp đất nước, khiến các cơ quan quản lý phải thực hiện nhiều công việc hơn để lập kế hoạch. Việc phối hợp giữa các khu vực trở nên khó khăn hơn khi các bang đặt ra các mục tiêu khác nhau để giảm lượng khí thải carbon.
Hãy nhìn lại thời kỳ mất điện liên tục tại California vào năm 2020. Bang này trong lịch sử đã nhập khẩu rất nhiều điện từ các bang lân cận trong những thời điểm cần thiết, nhưng họ mua được rất ít trong đợt nắng nóng năm 2020 vì các bang lân cận cũng có nhiều nhà máy điện hóa thạch đóng cửa. Bản thân California thì đã giảm đáng kể các nhà máy điện khí những năm gần đây để dùng năng lượng tái tạo.
Các tổng thống Obama, Trump và Biden đều khuyến khích xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG). Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, điều này khiến giá khí đốt trong nước tăng, vì người tiêu dùng phải cạnh tranh nguồn cung với nước ngoài. Các nhà phân tích cho biết giá trong nước sẽ vẫn còn cao vì Mỹ đã ký các hợp đồng xuất LNG dài hạn.
Chính phủ gần đây thực hiện nhiều bước để chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Họ mở rộng thẩm quyền can thiệp vào các quy trình cấp phép cấp nhà nước với các đường dây điện cao thế như một cách giúp cân bằng cung và cầu điện giữa các khu vực.
Ông Biden cũng cố gắng giảm giá năng lượng bằng cách đề nghị Saudi Arabia, bơm thêm dầu thô. Bernard McNamee, cựu thành viên Đảng Cộng hòa của Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang cho biết tình hình hiện tại khiến ông nhớ lại thời kỳ cách đây 5 thập kỷ, khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập và cuộc cách mạng ở Iran dẫn đến việc thay đổi chính sách năng lượng ở Mỹ và châu Âu.
Nhưng lần này thì khác. "Cuộc khủng hoảng bây giờ tồi tệ hơn nhiều so với những năm 70. Mọi người đang nhìn xung quanh, và dường như không ai biết phải làm gì", ông nói.
Phiên An (theo WSJ)