TTO - Theo Hãng tin Bloomberg, ngành bất động sản của Thụy Điển đang đối mặt với khoản thanh toán nợ 10 tỉ USD trong năm sau và có nhu cầu tái cấp vốn lên đến 41 tỉ USD vào cuối năm 2026.
Các công ty bất động sản Thụy Điển đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn vốn do lãi suất tăng - Ảnh: BLOOMBERG
2022 là một năm đầy biến động của các công ty bất động sản của Thụy Điển. Giá trị trên thị trường chứng khoán của họ giảm một nửa trong năm nay. VàBloomberg đánh giá triển vọng hồi phục của thị trường này rất thấp.
Hiện các công ty bất động sản Thụy Điển phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn vốn, bởi lãi suất tăng lên đang khiến gánh nặng từ các trái phiếu lãi suất thả nổi và có ngày đáo hạn cận kề ngày một đáng kể.
Dù thị trường bất động sản Thụy Điển vốn dễ bị tổn thương hơn các nước khác trong khu vực, khối nợ lớn trong mảng bất động sản của nước này đang trở thành một phép thử cho phần còn lại của châu Âu.
Ông Peter Papadakos, giám đốc điều hành Hãng tư vấn Green Street, cảnh báo Thụy Điển có thể đi đầu trong chuỗi các công ty bất động sản niêm yết của châu Âu cần được giải cứu nếu thị trường tín dụng tiếp tục nguội lạnh.
"Điều đó sẽ tác động lớn đối với lĩnh vực bất động sản niêm yết của châu Âu", ông Papadakos nói.
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển và Cơ quan Giám sát tài chính nước này đã nhiều lần cảnh báo rằng rủi ro bắt nguồn từ nợ bất động sản thương mại là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính của đất nước.
Mối lo chính nằm ở tác động lan tỏa đối với các ngân hàng Thụy Điển: cho vay bất động sản năm ngoái chiếm khoảng 2/3 tổng lượng cho vay ở quốc gia này, so với tỉ lệ chưa đến 1/3 ở nhiều nền kinh tế lớn hơn trong khu vực đồng euro.
Ông Anders Kvist, cố vấn cấp cao của giám đốc Ngân hàng FSA Thụy Điển, cho biết cơ quan giám sát đã cảnh báo về mức nợ cao của các công ty bất động sản thương mại trong ít nhất 4 năm qua.
"Giá trị bất động sản giảm có thể gây ra hiệu ứng domino. Nếu giá trị bất động sản giảm, sự an toàn sẵn có đối với khoản vay sẽ giảm. Điều này có thể dẫn đến việc cần thế chấp nhiều hơn khi đi vay và từ đó gây ra tình trạng bán tháo", ông Kvist giải thích.
Lạm phát gia tăng khiến ngân hàng trung ương buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ cũng góp phần vào khó khăn của thị trường bất động sản Thụy Điển.
Quốc gia Bắc Âu này cũng có mức độ sử dụng đòn bẩy nợ lớn của châu Âu.
Các công ty bất động sản của Thụy Điển phải xoay xở hơn 40,8 tỉ USD nợ trái phiếu đáo hạn trong 5 năm tới, 1/4 trong số đó sẽ đến hạn vào năm 2023.
Giới quan sát đánh giá cách họ điều hướng các khoản phải trả này sẽ rất quan trọng đối với châu Âu.
NGUYÊN HẠNH