Lễ hội Nghinh Ông truyền thống ở thị trấn Cần Thạnh năm nào cũng thu hút được sự tham gia rộng rãi của người dân thành phố - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
Câu hát vùng sông nước này có lẽ bắt nguồn từ những đoàn lưu dân từ miền ngoài vào vùng đất hứa Gia Định vào cuối thế kỷ 17 trên con đường hải thương cận duyên. Ngã ba Nhà Bè (tức Mũi Đèn Đỏ, quận 7, TP.HCM) trở thành điểm dừng chân trên hành trình để chờ con nước lớn.
Từ đây một nhánh theo sông Đồng Nai ngược lên Biên Hòa với cái tên là sông Phước Long, chảy qua cù lao Phố của Trấn Biên. Nhánh còn lại có tên xưa là sông Tân Bình (tức sông Sài Gòn), ngược vào 5km là đến trung tâm thành phố, nơi có cảng Sài Gòn lập từ năm 1861.
Đoạn từ ngã ba Nhà Bè xuôi ra Biển Đông lại tẽ thành hai nhánh là sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp. Bến phà Bình Khánh hôm nay vẫn ngày ngày nối Nhà Bè và Cần Giờ với những chuyến phà qua lại không thôi.
Đô thành trên bến dưới thuyền
Ngay từ năm 1777, Lê Quý Đôn đã chép trong Phủ biên tạp lục về con đường mậu dịch ở xứ Gia Định: "Nếu cho thuyền đi lên phía trên thì người ta sẽ vào cửa Cần Giờ.
Nếu cho thuyền đi vào khoảng giữa thì người ta sẽ vào cửa Soài Rạp. Nếu cho thuyền đi vào miền dưới thì người ta sẽ vào cửa Đại hoặc cửa Tiểu. Đến nơi, người ta đã trông thấy thuyền buồm, thuyền mành đậu xúm xít kề nhau, tấp nập".
Do có lợi thế về đường sông, dù nằm khá xa biển (cách 80km), từ khi thiết lập Gia Định kinh vào năm 1790, khi lúa gạo trở thành hàng hóa thì kinh tế thương nghiệp ở Sài Gòn đã phát triển. Sông Lòng Tàu - Nhà Bè trở thành thủy đạo quan trọng giúp cho sự phát triển phồn vinh của Sài Gòn, kể cả về mặt quân sự.
Vùng đất Gia Định mà trung tâm là Sài Gòn đã sớm có quan hệ giao thương với các nước thông qua đường thủy. Đầu thế kỷ 19, Trịnh Hoài Đức miêu tả cảnh mua bán trên sông Sài Gòn:
"Ở phủ Tân Bình, trước thành Gia Định, tục gọi là sông Bến Nghé, rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, khi nước lên sâu 13 thước ta, sông này vừa rộng vừa sâu, những tàu buôn và ghe thuyền sông biển trong và ngoài nước ra vào không ngớt, trông thấy đầu tàu nối liền, đuôi cột buồm chi chít, đủ biết đó là nơi đô hội" (Gia Định thành thông chí).
Địa danh Nhà Bè lại càng gắn với những bến sông. Tích xưa kể rằng Thủ Huồng (Võ Thủ Hoằng) vốn là người cho vay nặng lãi. Trong một giấc mơ, ông thấy mình xuống âm phủ, có tên mình trong số những kẻ gây tội, phải chịu hình phạt.
Trở về trần gian ông sửa mình, phát tâm bố thí. Ông kết một cái bè lớn, trên dựng nhà để giúp đỡ những người đi bộ lỡ đường, thuyền lỡ con nước. Trên bè có chỗ ăn nghỉ, để sẵn nồi niêu, gạo củi, mắm muối, nước ngọt ngay tại ngã ba sông.
Dần dần, dân chúng tụ tập tại đây họp chợ, mua bán, thành ra địa danh Nhà Bè. Ngày nay ở cù lao Phố (Biên Hòa) còn có ngôi chùa tương truyền do Thủ Huồng lập mang tên ông. Con rạch chảy Tân Vạn cũng do chính Thủ Huồng nạo vét. Chiếc cầu đá gần sông Đồng Nai đi Tân An cũng do Thủ Huồng bắc...
Nhà Bè còn nổi danh với đặc sản cá chìa vôi. Riêng cá chìa vôi vùng ngã ba sông Đồng Tranh (Cần Giờ) là một loài cá hiếm, có giá trị cao. Chúng thường xuất hiện ở vùng giáp nước, nơi chịu ảnh hưởng của dòng nước ngọt từ sông Đồng Nai chảy xuống và dòng nước mặn từ cửa biển Cần Giờ chảy vào.
Trịnh Hoài Đức, người đã hai lần giữ chức Hiệp lưu trấn và Hiệp tổng trấn Gia Định thành, có bài thơ Phù Gia điếu nguyệt mô tả lại thú vui câu cá chìa vôi dưới đêm trăng ở Nhà Bè: "Ngọc lân hữu hạnh thê điều khoái/ Quế tửu vi hoan tử chước bào (Cá ngon thái gỏi nay câu được/ Rượu quế làm vui cứ uống tràn)".
Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu chính thức hoạt động từ tháng 1-2021 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cần Giờ hải khẩu
Cần Giờ là một trong những vùng đất cổ ở Nam Bộ, nơi đây in những dấu vết xa xưa của loài người thông qua các di chỉ khảo cổ học và các ngôi mộ cổ được phát hiện lần đầu vào những năm 1976 - 1978.
Trong đó nổi bật nhất là di chỉ Giồng Cá Vồ có niên đại cách nay khoảng 3.000 năm, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2000. Di vật và đồ tùy táng của các di tích mộ chum ở Cần Giờ vô cùng phong phú và độc đáo.
Đó là loại gốm Giồng Cá Vồ - Giồng Phệt, được coi là tiêu chí để nhận biết mối liên hệ của Cần Giờ với những vùng khác. Đó là các kiểu đồ gốm mang phong cách của các nền văn hóa Đồng Nai, Sa Huỳnh, Óc Eo... Cần Giờ xưa là điểm đầu mối giao lưu kinh tế, nơi có phố chợ trù mật, dân cư chủ yếu làm nghề đánh cá, thuyền buôn tấp nập.
Vào thế kỷ 18, Cần Giờ được biết đến như cái tên của một cửa biển. "Cần Giờ hải khẩu"tức cửa biển Cần Giờ. Cửa rộng trên 5 dặm, khi nước lên buổi sáng thì sâu 5 trượng 5 thước, nước lên buổi chiều sâu 4 trượng.
Cảng khẩu sâu rộng, thuận lợi cho thuyền bè ra vào, lại nằm sát nách trung tâm phố thị Gia Định. Do tính chất quan trọng của cửa biển này, năm Thiệu Trị thứ 2, triều Nguyễn cho đắp lũy tấn bảo để canh gác. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), cửa biển Cần Giờ được chạm trên Cửu đỉnh đặt ở Thế Miếu (Huế).
Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả: "Miếu Hải Thần ở Cần Giờ lập năm 1816, thờ các vị thần, Hà Bá, Thủy Quan, Ngọc Lân, trong hai sông Phước Bình và Phước Long".
Ở Cần Thạnh (Cần Giờ) đến nay vẫn lưu hành truyền thuyết cá Ông: vì sao nhãng nhiệm vụ, cá Ông đã để cho một chiếc ghe chìm làm chết người trong một cơn bão, nên cá bị Long Vương Thủy Tề trừng phạt, cho cá Đao chém chết làm ba khúc.
Ngày 16-8 âm lịch, xác cá Ông trôi dạt vào ba nơi: Thắng Tam (Vũng Tàu), Phước Tỉnh (Long Điền) và Cần Thạnh (Cần Giờ).
Mỗi làng thỉnh một phần thi thể cá Ông về thờ. Lễ hội Nghinh Ông Thủy Tướng huyện Cần Giờ được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013; năm 2017 được nâng cấp lên thành lễ hội cấp thành phố.
Lễ Nghinh Ông ở Cần Thạnh được xem là "tết biển" đối với người dân địa phương, ai đi làm ăn xa cũng thu xếp về trong dịp này. Ông Nam Hải được xem như vị tổ nghề, thần bảo hộ cho cộng đồng.
Bám biển và vươn khơi để làm giàu luôn là khát vọng của những ngư dân vùng đảo của TP.HCM. Niềm tin vào tín ngưỡng biển đã biến thành trợ lực mạnh mẽ trong cuộc sống hôm nay. Những mô hình ghe sông cầu, đáy rạo trưng bày trong lăng cho người ta thấy sự gắn bó giữa tín ngưỡng và đời sống ngư nghiệp.
Không chỉ ở thị trấn Cần Thạnh, mà ở Thạnh An, Long Hòa, Đồng Hòa của Cần Giờ cũng có những lăng miếu thờ cá Ông, bên cạnh những ngôi miếu Thiên Hậu, Bà Cố Hỷ - những vị thần biển ở vùng đất này.
Huyện Cần Giờ hiện còn bảo lưu nhiều địa danh gắn liền với nghề đánh bắt: bản đồ năm 1885 đã thấy có tên rạch Đáy; Ba Đáy là con rạch ở xã An Thới Đông; Cá Cháy là tắc ở xã An Thới Đông; rạch Đuôi Cá ở xã Thạnh An đổ vào sông Lòng Tàu; ngã tư Đuôi Cá, nối liền tắc Dinh Cậu với sông Giữa; Khe Cá là tên rạch ở xã Long Hòa; sông Hào Võ ở xã Long Hòa, có dạng gốc là Hàu Vỏ, vì tại đây trước kia người ta đổ một đống vỏ hàu để chở đi nung vôi, rồi bị nói chệch như trên. Ở ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp cũng có rạch Tắc Rổi, nối liền tắc Dinh Cậu với sông Giữa ở ngã tư Đuôi Cá...
Những giá trị sông biển trăm năm ngàn năm ấy sẽ vẫn còn trong người dân, trong cộng đồng khi Nhà Bè - Cần Giờ cùng tiến lên thành thành phố cảng hiện đại trong những bước chân tiến ra Biển Đông của TP.HCM.
Tính chất sông biển đã thấm mặn trong đất trong nước trong con người Nhà Bè - Cần Giờ từ những ngày thuyền bến xôn xao cho đến hôm nay lừng lững và lộng lẫy những cao ốc soi mình trên mặt sông, những hướng phát triển đô thị thẳng về phía biển.
Một cánh đại bàng của TP.HCM hướng về Biển Đông
Một buổi sáng đẹp trời, bạn hãy đứng từ lầu trên Nhà máy điện Hiệp Phước nhìn về hướng Biển Đông để cảm nhận những gì đã đổi thay trên vùng đất Nhà Bè.
Buổi chiều ở cổng Khu chế xuất Tân Thuận, bạn sẽ thấy dòng người lao động từ các nhà máy đổ ra, phân nửa đi xuống Nhà Bè, nửa vào nội thành. 30 năm lăn lộn trên đất này, bao nhiêu tâm huyết, sức lực, mồ hôi và nước mắt của tôi cùng bao nhiêu người nữa đã đổ xuống để Nhà Bè từ "đám lá tối trời" bước ra phát triển song hành cùng TP.HCM.
Lịch sử hình thành và phát triển của TP.HCM nổi bật một quy luật: phát triển về phía Nam, hướng về Biển Đông, gắn liền với những dòng sông và cảng. Cảng nhờ thành phố mà sống, thành phố nhờ cảng mà lớn.
Phía Nam thành phố gồm các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ hiện còn thiếu cơ sở hạ tầng, mặt đất thấp trũng, địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt nhưng là vùng đất đầy tiềm năng, lợi thế phát triển, hội đủ điều kiện cho các dự án lớn với tính khả thi cao.
Một loạt cảng lớn đã và sẽ được xây dựng dọc theo các sông Soài Rạp ra Biển Đông, sông Thị Vải, Cái Mép, cảng Sao Mai - Bến Đình, cảng ở khu vực Thiềng Liềng, vịnh Gành Rái...
Một loạt khu công nghiệp lớn của Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang gắn với các cảng này. Cùng với nhánh phát triển hướng về phía Đông Bắc (Bình Dương, Đồng Nai), nhánh hướng về phía Nam này hợp thành đôi cánh vươn cao của con chim đại bàng, nâng TP.HCM bật dậy, vút lên.
PHAN CHÁNH DƯỠNG