Tôi không thể nào quên, sau tháng rưỡi cầm cự giam chân địch ở Trường Phước, không cho chúng tiến vào Thành Cổ. E 102, F 308 của tôi đã bị kiệt sức nặng nề, bởi bom B52 ngày đêm cầy sới rừng Trường Phước, đã thế lại còn pháo bầy chồng chất hố nọ, đè lên hố kia. Trường Phước đã bị hủy diệt đến nỗi không có chỗ nào là không có hố bom, hố pháo. 100 % cây rừng Trường Phước bị chết hoặc bị thương.
Hai ảnh trên do tác giả cung ấp: Làng Như Lệ và hình ảnh Bến Vượt ngày nay
Ngày 15/8/1972 Sư đoàn quyết định cho Trung đoàn tôi hành quân xuống đồng bằng.
C12, D 9 của tôi vừa ra khỏi bìa rừng trúng luôn trận pháo kích, nhưng may mắn không ai việc gì. Khoảng 22 giờ trúng luôn trận pháo bầy, tôi vội vàng nằm nép mình bên mô đất, lấy cái ba lô chụp lên đầu cốt sao giữ được cái "gáo". Pháo vừa ngớt tôi nằm một lúc cho an tâm rồi mới nhồm dậy, chẳng thấy đơn vị tôi đâu? Cẩn thận quá, cũng hỏng việc thế là tôi bị lạc đơn vị.
Thằng Thứ, thằng Học nó theo tôi chạy ngược lại quãng đường cho ăn chắc, bởi có đi cũng chẳng biết hướng nào mà đi, coi chừng tự nhiên lại dẫn xác mình vào "miệng cọp".
Thấy một chiếc xe zin của TQ cắm đầy cành lá ngụy trang đậu bên đường, tôi nghĩ ngay là có bộ đội.
Tôi tiến sát gầm xe, một mũi súng AK chĩa vào tôi " ai? " tôi chưa kịp trả lời đã bị 2 viên đạn " đoàng đoàng " chéo chéo qua đầu. Người vừa bắn tôi, anh đã nhìn thấy thằng Thứ vác cái nòng cối 82 ly, người lái xe ấy nhận ra ba thằng tôi là bộ đội:
- Xin lỗi tớ tưởng thám báo.
- Không sao anh cho chúng tôi nghỉ nhờ ở gầm xe đêm nay nhé!
Anh ta bảo:
- Xe tôi cũng đi bây giờ, các anh tới chỗ kia sẽ gặp bộ đội.
Theo hướng tay anh ta chỉ, đi khoảng 100 mét tôi gặp hai người lính xuống sông lấy nước, tôi liền hỏi:
- Hai ông ơi, ba thằng tôi là lính 308 bị lạc đường, hai ông cho ba chúng tôi nghỉ nhờ đêm nay nhé!
Hai anh bạn nói:
- Ui, đây là Trung đoàn bộ 36 cùng Sư đoàn ta cả, các ông cứ vào chọn hầm khỏi cần phải đào, yên trí tới bữa tôi đem cơm cho ăn.
Mừng quá, như đuối nước vớ phải cọc cầu ao.
Đúng thật, ở đây rất nhiều hầm bỏ không, chúng tôi chọn một căn hầm ri phi trường chất đầy bao cát, linh tính như mách bảo " Đây là một làng quê dân đã chạy đi di tản ". Rồi ba thằng tôi chui vào đó đánh một giấc ngon lành không biết trời đất là gì nữa.
Sáng bạch nhật, anh bạn tối qua gặp ở bờ sông đem cho ba nắm cơm to bự, có cả thịt bò tươi nữa chứ. Anh ta nói:
-Tôi là lính thông tin của E bộ 36, nhưng cũng kiêm luôn chức anh nuôi. Chiều ngày qua tôi đã ngắm thấy con bò lang thang nhưng không dám bắn vì sợ thủ trưởng Trung đoàn biết thì Thủ trưởng bắn vỡ sọ tôi luôn. Cũng may sao tối qua nó bị trúng pháo kích, thế là bọn tôi ra khuân hết nó về ướp muối thoải mái ăn các ông ạ.
Tranh thủ tôi hỏi luôn anh bạn:
- Đây là đâu mà lại có hầm ri bao cát?
Anh bạn giơ tay khoanh khoanh một vòng tròn to bự:
- Đây là làng Như Lệ, trên kia là làng Tích Tường thuộc huyện Hải Lăng, còn bên kia bến vượt là huyện Triệu Phong vùng giải phóng.
Tôi tranh thủ tới hầm thủ trưởng Trung đoàn, báo cáo lý do bị lạc đơn vị và nhờ Thủ trưởng chỉ đường chúng tôi về đơn vị.
Biết là làng Như Lệ, chúng tôi cũng tranh thủ đi đến từng căn hầm lục lọi đồ ăn của dân còn sót lại, nhưng lục mãi cũng chẳng tìm được món gì ngoài một bao ớt khô đã mốc.
Đúng ba ngày sau Thủ trưởng Trung đoàn tới hầm ba thằng tôi.
Ông chỉ tay phía trước: " Các cậu cứ đi thẳng đường này, nhưng phải giữ khoảng cách 10 mét một đồng chí. Khi tới cây cầu sắt bị gẫy sập, đó gọi là cầu Tích Tường, qua cầu Tích Tường một đoạn gặp con đường là rẽ trái, cứ đi thẳng tuột là sẽ tới La Vang, đơn vị cậu đang ở đấy ".
Nghe lời Thủ trưởng ba thằng tôi đi như bay, chẳng mấy chốc đã tới cầu Tích Tường, tới khoảng chừng vài trăm mét thì thấy con đường nhỏ, đúng là đường rẽ vào nhà thờ La Vang đây rồi. Trên đường đi vào nhà thờ La Vang tôi gặp rất nhiều bạn bè lính E 102. Gặp nhau cũng chỉ vội vàng giơ tay chào một cái, rồi nở nụ cười thân thiện " đi nhé! " chứ không có thời gian chuyện trò vì ba thằng tôi cũng như các đồng đội đều vội vàng đi như ma đuổi. Nghe nói đây là làng làng Như Lệ, làng Tích Tường, làng La Vang.
Vừa về tới đơn vị, anh Trung đội trưởng Hữu mừng rơi nước mắt:
- Tao tưởng các cậu chết hết rồi cơ chứ, tối ấy tao đã báo cáo tiểu đoàn, không biết cấp trên đã báo tử về địa phương chưa?
Nói đến đây tôi chột dạ:
- Trung đội trưởng báo cáo lại Tiểu đoàn ngay đi, kẻo bố mẹ em tưởng em chết thật thì khổ lắm, em không an tâm chiến đấu đâu.
Ba ngày nay không có nòng pháo, anh Hữu lo bằng chết, bởi tài sản của cả Đại đội giờ chỉ còn duy nhất có một khẩu pháo. Anh Hữu liền bảo tiểu đội Trưởng Tâm vác cái nòng pháo ra trận địa chiến đấu ngay. Lát sau tôi đã nghe tiếng nổ đầu nòng " bụp, bụp ", đang lã đạn vào khu đồi thông La Vang.
Hôm sau nghe tin anh Võ Huy Tâm và hai pháo thủ bị thương đã đi viện. Tiểu đội trưởng Mai Văn Thành tiếp tục ra trận địa chỉ huy chiến đấu.
Thời gian này C12 của tôi chỉ còn mỗi Trung đội trưởng Hữu, Tiểu đội trưởng Mai Văn Thành và tôi là cán bộ, bởi các anh cán bộ trong C12 lần lượt hy sinh và bị thương hết cả rồi. Cũng thời gian này đêm nào tôi cũng phải có mặt ở Bến Vượt. Hôm thì cáng thương binh ra Bến Vượt. Hôm thì ra Bến Vượt gùi đạn, gùi gạo... Về đơn vị.
C25 là đơn vị vận tải có nhiệm vụ chở thương binh E 102 xuống xuồng cao su vượt sông Thạch Hãn sang bên kia bờ Triệu Phong. Sau đó C25 lại chở đạn, chở gạo, chở bông băng... Sang bên này sông phục vụ chiến đấu.
Bến Vượt là mục tiêu số một của Mỹ, nên lượng bom và pháo oanh tạc đây là rất nhiều. Không có báo chí nào tả hết được cái ác liệt ở đây, bằng chúng tôi những người lính chiến mắt thấy, tai nghe. Nói thật tôi là người có thời gian ở chiến trường Quảng Trị nhiều nhất, nhưng tôi cũng chưa hề nhìn thấy mặt một ông nhà báo nào cả.
Tuần lễ sau anh Thành lại bị thương, thế là may mắn cho tôi không phải đi công tác nữa, từ đây tôi ở suốt ngày ngoài trận địa chỉ huy chiến đấu. Tất nhiên chiến đấu thì ác liệt hơn nhiều, nhưng được cái không phải vất vả mưa gió mò mẫn đêm hôm đi như ma đuổi, còn sống chết nó đã có số.
Đúng 4 giờ sáng ngày mồng 01/9 trong trận giao tranh quyết tử tại bốt Gia Long tôi đã bị thương.
Mãi tới đêm mồng 03/9 tôi mới được cáng ra Bến Vượt.
Cũng là giờ phút ngày tháng năm tôi vĩnh biệt nơi này!
Vĩnh biệt bao kỷ niệm thiêng liêng bên cái chết kề bên!
Vĩnh biệt nơi mà không biết bao nhiêu đồng đội của tôi, hiện giờ vẫn còn nằm yên ngủ dưới đáy sông Thạch Hãn đoạn Bến Vượt nầy!
Vĩnh biệt làng Như Lệ, mà ở đó, mỗi mét vuông đất mầu xanh hôm nay, đều thấm nhuộm máu hồng biết bao đồng đội của tôi mùa hè đỏ lửa 1972.