Gần đây hoạt động tội phạm lừa đảo trên không gian mạng lại tái diễn phức tạp tại TPHCM. Không chỉ cơ quan công an, nhiều sở, ngành của TPHCM cũng đang triển khai rà soát, xác minh thông tin tội phạm để xử phạt, nhiều vụ việc đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý hình sự.
Đối tượng Nguyễn Thị Hạnh tại Cơ quan Công an cùng tang vật vụ án. Ảnh: CACC.
Giả danh cán bộ, công an để lừa đảo
Từ đầu năm đến nay, Công an TPHCM đã tiếp nhận đơn thư tố giác tội phạm, vào cuộc điều tra, xử lý nhiều đối tượng giả danh cán bộ, công an để lừa đảo. Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM nhận định, hiện nay tội phạm lừa đảo qua mạng đã thay đổi những thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, đòi hỏi cơ quan, tổ chức, cá nhân luôn phải đề cao cảnh giác, nắm vững quy trình làm việc của cơ quan chức năng, các thông tin liên hệ qua mạng cần được kiểm chứng qua kênh thông tin chính thống và cá nhân có trách nhiệm.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, vừa qua khi TPHCM lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố đã xuất hiện tình trạng làm giả hình ảnh văn bản thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát này. Khi Công an TPHCM vào cuộc, đã ghi nhận một số vụ việc mạo danh Thanh tra Sở Y tế TPHCM để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay khi phát hiện có sự việc trên, ngày 26/9, Công an TPHCM đã đưa ra thông báo cảnh giác với thủ đoạn giả mạo Thanh tra Sở Y tế TPHCM nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để người dân không “mắc bẫy” trước chiêu trò lừa đảo trên.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, trong thời gian gần đây tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, trong đó chiếm tới hơn 50% các vụ lừa đảo sử dụng không gian mạng. Loại tội phạm này sử dụng nhiều thủ đoạn, như giả mạo các cơ quan, tổ chức thuế, ngân hàng, công an… để gọi điện thoại lừa gạt; giả mạo website các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn để thu hút vốn đầu tư, tuyển dụng nhân sự.
Công an TPHCM còn phát hiện các nhóm tội phạm lập các trang Facebook có logo của các trường đại học để lừa đảo tiền học phí, lệ phí... Các đối tượng sử dụng các ứng dụng, công nghệ, phương tiện hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động ẩn danh, khó truy vết. Phần lớn hoạt động có tổ chức, nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không có tiếp xúc, trao đổi trực tiếp.
Đáng chú ý, qua điều tra, trong tháng 9/2024 Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM) đã phát hiện đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sau đó vận chuyển từ Campuchia về TPHCM. Nhóm này sử dụng mạng xã hội làm kênh liên lạc và lừa đảo. Trong đó, thực hiện hành vi đặt giao hàng qua các ứng dụng cho Bưu cục để chuyển cho khách hàng bằng dịch vụ có thu hộ tiền (COD).
Ngày 27/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận 4 (TPHCM) đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Hạnh (SN 1973, thường trú tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác. Thủ đoạn của Hạnh là giả danh cán bộ Hải quan, thông qua mạng xã hội để xây dựng hình ảnh, tìm cách tiếp cận nhiều người có tài sản để lừa đảo chiếm đoạt. Trong số các nạn nhân, có người bị đối tượng chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Giám sát chặt trên không gian mạng
Các cơ quan chức năng TPHCM xác định việc quản lý không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần theo dõi, rà soát, để xử lý ngay từ lúc manh nha các hình ảnh tiêu cực, lợi dụng câu view, câu like để trục lợi hoặc lừa đảo.
Trong trách nhiệm của ngành văn hóa, ông Võ Hồ Hoàng Vũ - Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, Sở vừa phối hợp với các cơ quan liên quan vào cuộc làm việc, kiến nghị xử lý một số trường hợp cụ thể có hành vi phản cảm hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục trên không gian mạng. Đồng thời, Sở cũng thường xuyên phổ biến quy định pháp luật, quy tắc ứng xử cho những người hoạt động nghệ thuật. Từ đó, định hướng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo thẩm quyền.
Theo ông Vũ, để xử lý triệt để những sai phạm, tiêu cực trên nền tảng mạng xã hội thì cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ, ngành từ cấp Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, hệ thống pháp luật phải được hoàn thiện để tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Nêu giải pháp đối với các hành vi trục lợi, lừa đảo từ không gian mạng, Thượng tá Lê Mạnh Hà đề nghị, người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, luôn cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, tư pháp, tố tụng để thông báo, mời làm việc, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại.
Theo đại diện Công an TPHCM, người dân phải thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP. Người dân cũng không chuyển tiền cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn hoặc liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và hướng dẫn giải quyết.