Làm phụ xe buýt nhiều năm, anh Hùng chứng kiến nhiều kiểu hành khách. Nhưng anh đều biết cách ứng xử sao cho khéo léo để mọi chuyện êm đẹp, không gây rắc rối.
Rơi nước mắt nghe câu chuyện của khách
17 năm làm phụ xe buýt, 5 năm công tác tại Trung tâm Tân Đạt thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco), anh Đỗ Mạnh Hùng (SN 1972) luôn coi mình là người “điều phối viên”, ứng biến linh hoạt với mọi kiểu hành khách.
Lúc nào anh cũng tự nhủ, hành khách cũng có người này, người kia, có người văn minh lịch sự cũng có những người kém ứng xử. Nhưng dù thế nào, họ cũng là khách của mình và mình phải lựa để không xảy ra những mâu thuẫn, tình huống va chạm không đáng có trên xe buýt.
Anh Hùng nói về nguyên tắc làm việc của mình.
Chặng đường xe buýt 39 đi qua Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Thanh Trì, Hà Nội) là chặng có khá nhiều bệnh nhân. Cũng từ những chuyến đi đó, anh chứng kiến nhiều hoàn cảnh, nhiều số phận. Nghe những câu chuyện họ nói với nhau trên xe buýt, có lúc anh cảm thấy xót xa, rơi nước mắt.
Anh kể: “Ngoài sinh viên, người đi làm, chuyến xe buýt 39 này có rất nhiều bệnh nhân bởi tuyến đường chính đi qua 2 bệnh viện. Tôi chứng kiến nhiều người mệt, yếu, không có sức bước lên xe buýt, có người tay còn đang cắm kim truyền. Thấy họ vất vả, mệt nhọc, tôi vội xuống đỡ, thậm chí bế lên ghế ngồi. Nhiều người lạ thành quen, trở thành những vị khách thân thiện của xe buýt 39 và nhớ luôn mặt lái xe, phụ xe”.
Anh Hùng cũng luôn là người nhắc nhở những người trẻ nhường ghế cho người già, người bị bệnh trên xe.
Chuyện hành khách để quên đồ trên xe cũng không ít. Có lần, anh từng trả lại khách món đồ để quên giá trị là một chiếc máy tính xách tay, một chiếc điện thoại và 2 triệu tiền mặt để quên trên xe.
“Lần đó, khách để quên đồ giá trị nhiều quá nên tôi hơi hoảng, chưa biết làm cách nào liên lạc với chủ tài sản. Thật may, được một lúc, có người gọi điện đến. Người này vì còn giữ vé xe nên đã gọi tổng đài để xin số của tôi. Sau khi xác minh đúng là đồ của vị khách trên, chúng tôi hẹn nhau ở một điểm rồi trả đồ”.
Nhận lại đồ bỏ quên, vị khách rối rít cảm ơn. Bản thân tôi cũng vui lây vì làm được một việc ý nghĩa.
Nhưng có lẽ kỉ niệm khiến anh nhớ nhất trong hành trình làm phụ xe của mình chính là được một người lạ mang đồ đến biếu.
“Lần đó, có một vị khách vừa lên xe đã chào hỏi tôi rất vồn vã rồi cho tôi gói quà quê. Nhìn kĩ tôi mới nhớ đó là vị khách nhiều lần đi xe này ra viện. Họ vì quý mến tính cách của tôi, vì cảm thấy tôi gần gũi, thân thiện nên mới mang quà đến biếu. Chỉ là hành động nhỏ nhưng khiến tôi mủi lòng, xúc động”, anh Hùng chia sẻ.
Chính những tình cảm của hành khách đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho anh, khiến bản thân anh càng tự hào về công việc, tự tin vào cách hành xử của mình.
"Hành khách vô lý, tôi có cách xử lý ngay"
Với phương châm làm việc phải theo nguyên tắc đúng, anh Hùng luôn biết cách ứng xử với những hành khách “mè nheo”, thích gây sự. Bên cạnh những vị khách lịch sự cũng có nhiều người ra oai, tỏ vẻ giang hồ hoặc thích ăn vạ, gây nhiễu trật tự công cộng.
"Mỗi vị khách đều giúp tôi thấm thía những bài học cuộc sống khác nhau".
“Lần đó có hai thanh niên ‘cậy gần nhà’ bắt xe buýt của tôi nhưng đi qua hai điểm mà họ vẫn không chịu trả tiền vé. Khi tôi hỏi tiền, cậu ta lên giọng, ra vẻ giang hồ, nói muốn đi nhờ. Nhưng tôi cương quyết không chấp nhận. Hai thanh niên ban đầu rất khó chịu, định giở thói hung hăng nhưng tôi vẫn kiên quyết mời họ xuống xe. Cuối cùng, họ phải chịu”, anh Hùng kể và cho biết, không thể làm trái nguyên tắc vì còn người này, người nọ.
Anh cũng từng chứng kiến người say rượu, lên xe buýt rồi cởi trần, nằm ra ghế dưới ngủ như nhà mình. Khi anh đến nhắc nhở thì họ bảo bị say, không ngồi dậy trả tiền được. Trường hợp như vậy anh cũng kiên quyết mời xuống xe.
“Họ còn lên được xe, biết đi xe nào về nhà chứng tỏ chưa say. Hành động cởi trần nằm ra ghế ảnh hưởng tới trật tự công cộng và các hành khách khác. Vì vậy bằng mọi cách tôi phải mời họ xuống hoặc bắt họ phải thực hiện những nguyên tắc như một hành khách bình thường”, anh Hùng chia sẻ thêm.
Trên xe buýt, chuyện nhường ghế cho người già, người tàn tật, trẻ em và bà bầu vốn là chuyện mà các hành khách thường xuyên đi xe buýt đều hiểu. Theo anh, việc nhường ghế là tự nguyện, là ý thức của mỗi cá nhân. Nhưng có nhiều hành khách lại tự cho mình quyền “được nhường ghế”, gây mất trật tự và anh phải là người ra mặt giải quyết.
“Lần đó, có một vị khách gần 50 tuổi lên xe rồi nói oang oang, yêu cầu thanh niên ngồi dưới đứng lên nhường ghế cho mình. Thanh niên kia chưa kịp phản ứng thì vị khách này quát tháo, khó chịu. Tôi thấy thái độ của vị khách hơi khiếm nhã nên ra nhắc nhở: ‘Anh ơi, yêu cầu anh giữ trật tự. Anh nhìn xem, trên xe còn rất nhiều người, nhiều người là bệnh nhân, người già. Tuổi của anh cũng chỉ chạc tuổi tôi, không có lý gì anh bắt người ta phải nhường ghế cho mình. Họ nhường hay không cũng chỉ trên tinh thần tự nguyện chứ không phải việc bắt buộc. Anh đi hai bến, chịu khó đứng một chút cũng được’, anh Hùng kể.
Sau lời nhắc nhở của phụ xe, vị khách cũng tỏ vẻ ái ngại, không ngồi vào ghế. Nhiều người trên xe tán thưởng cách làm của anh Hùng.
Gần 17 năm trong nghề, anh Hùng chưa từng cảm thấy hổ thẹn với bản thân vì sợ hãi hay thiên vị hành khách trên xe: “Khách nào cũng là khách, cứ tuân thủ nguyên tắc, đúng quy định thì không ai nói được mình. Mình chỉ làm đúng nhiệm vụ mà thôi”.
Thế nên, có nhiều vị khách quen, thường xuyên đi xe rất quý anh, thường xuyên nói chuyện, “dốc bầu tâm sự”. Anh cũng không ngại dành thời gian lắng nghe, chia sẻ với họ. Chính từ những câu chuyện ấy, anh học hỏi và hiểu ra nhiều điều trong cuộc sống.
“Những vị khách văn minh, lịch sự hay những vị khách ứng xử chưa tốt đều là những người dạy cho tôi những bài học quý giá. Để tôi hiểu rằng, dù làm công việc gì, cư xử đúng mực, đúng nguyên tắc trung thực, chữ tín, công bằng, bình đẳng thì người khác sẽ không thể nói được mình”, anh Hùng bộc bạch.
tin liên quan
Bình luận