Xôn xao bức tường quảng cáo tiếng Pháp lộ diện sau hàng chục năm ở Hà Nội

11/02/2023 11:11
(Dân trí) - Bức tranh quảng cáo được viết bằng tiếng Pháp trên tường của trạm biến áp phường Cửa Nam (Hà Nội), vô tình xuất hiện sau hàng chục năm bị che lấp đã thu hút sự quan tâm của người dân.

 

Nhiều ngày qua, mạng xã hội xôn xao hình ảnh một tấm áp phích quảng cáo bằng tiếng Pháp vô tình được phát hiện trên tường trạm biến áp Cửa Nam (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo ghi nhận của PV Dân trí chiều 11/1, bức tranh tường hướng ra ngã tư Cửa Nam - Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), hiện đã xuống cấp, người dân chỉ cần chạm nhẹ cũng làm mất đi lớp ve tường bên ngoài.

Trên nền tường màu vàng đã cũ là hình ảnh cặp đôi điều khiển ô tô bên cạnh hình lốp xe. Phông chữ cổ xưa, được viết bằng tiếng Pháp, với một số nội dung quảng cáo lốp xe như: "Partez heureux et sans appréhension" (tạm dịch: Lên đường vui vẻ, không lo ngại!), "Le pneu qui mord la route, c'est le Goodyear" (tạm dịch: loại lốp bám đường chính là của hãng Goodyear).

Theo tìm hiểu, Goodyear là công ty lốp và cao su đa quốc gia của Mỹ, được thành lập năm 1898, trụ sở tại thành phố Akron (thuộc tiểu bang Ohio). Đây là một trong những thương hiệu lốp xe lớn nhất trên thế giới.

Phía bên dưới là thông tin quảng cáo có phần đơn giản hơn của thương hiệu Evian Cachat - loại nước khoáng thiên nhiên nổi tiếng đến từ Pháp.

Xôn xao bức tường quảng cáo tiếng Pháp lộ diện sau hàng chục năm ở Hà Nội

Bức tranh tường quảng cáo bằng tiếng Pháp trên trạm biến áp Cửa Nam bất ngờ lộ diện sau hàng chục năm bị che lấp.

Bức tường đã xuống cấp, chỉ còn sót lại một số thông tin quảng cáo của thương hiệu lốp xe nổi tiếng thế giới.

Phía dưới là quảng cáo có phần đơn giản hơn của hãng nước khoáng Evian.

Theo dõi thông tin trên mạng xã hội, ông Nguyễn Hưng Tự Lập (81 tuổi, sống trên phố Cửa Nam), vội tìm đến trạm biến áp, nhờ người dânchụp giúp bức ảnh lưu niệm với tranh tường "có tuổi đời lớn hơn ông".

Năm 10 tuổi, ông Lập được bố mẹ chở đến con phố này ngắm nhìn tấm biển quảng cáo mới lạ. Sau hơn 70 năm, một lần nữa, ông xúc động khi được "gặp" lại bức tường, nói rằng "như sống lại ký ức tuổi thơ".

"Tôi biết một chút tiếng Pháp, vẫn có thể đọc được thông tin trên tấm quảng cáo này. Đây vừa là kỷ niệm, vừa mang tính lịch sử của thời gian", ông Lập tâm sự.

Chị Nguyễn Nga (40 tuổi) cho hay thường xuyên di chuyển qua tuyến phố Cửa Nam, nhưng vì trước đây bị khu nhà tạm che khuất nên chưa từng trông thấy bức tranh tường quảng cáo đặc biệt này.

"Tôi nghĩ đây là bức tranh trường quảng cáo bằng tiếng Pháp duy nhất còn sót lại ở Hà Nội, hy vọng chính quyền địa phương sẽ giữ lại vết tích này, tu sửa và khai thác tiềm năng du lịch", chị nói.

Sau khi đọc thông tin trên mạng xã hội, ông Tự Lập tìm đến trạm biến áp để chụp ảnh lưu niệm.

Những ngày qua, nhiều người dân và du khách cũng tìm đến khu vực này để "check-in".

Ông Lê Hồng Quân (53 tuổi, làm việc nhiều năm trên phố Cửa Nam), cho biết một tuần trước, chính quyền địa phương đã tháo dỡ nhà sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố 1 và bảng tin phường, thì vô tình bức vẽ quảng cáo lộ ra, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách.

"Nhờ được khu nhà che chắn, nên bức tranh tường này tồn tại đến bây giờ. Theo nhiều người dân, tác phẩm này có tuổi đời 70-80 năm", ông Quân nói.

Ông Lê Hồng Quân cho biết chỉ cần chạm nhẹ lên bức tường cũng khiến lớp ve tường rơi xuống.

Theo người đàn ông, thời gian tới chính quyền sẽ dỡ bỏ trạm biến áp để quy hoạch thành vườn hoa. Ông cho rằng, nếu địa phương giữ lại bức tranh tường, thì sẽ thêm một điểm khai thác du lịch mới mẻ.

"Mấy ngày qua, tôi thấy một vài du khách nước ngoài và người dân tìm đến chụp ảnh. Họ đều cảm thán và ấn tượng với 'công trình' này", ông Quân nói.

Tuy nhiên, ông Tự Lập lại cho rằng khó để lưu giữ bức tranh tường này trong bối cảnh trạm biến áp sẽ được cải tạo.

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo UBND phường Cửa Nam cho biết dự án cải tạo khu vực trạm biến áp Cửa Nam do Ban Quản lý Dự án quận Hoàn Kiếm phụ trách.

Theo Nguồn dantri.com.vn

Xôn xao bức tường quảng cáo tiếng Pháp lộ diện sau hàng chục năm ở Hà Nội - Văn Hóa