Nhiều công ty chứng khoán và ngân hàng có liên quan đến vụ phát hành chín lô trái phiếu Tân Hoàng Minh đã bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước hủy bỏ do sai phạm. Trong ảnh: là trụ sở Tân Hoàng Minh - Ảnh: BÔNG MAI
Trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 ngày 8-11, đại biểu cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, việc khởi tố điều tra nhiều vụ án lớn đang tác động không nhỏ đến thị trường, tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Tội phạm kinh tế,tham nhũng gắn vớilợi ích nhóm gia tăng
Nếu như những năm trước có nhiều vụ án liên quan đến quan chức thì từ đầu năm đến nay nổi lên nhiều vụ án lớn về kinh tế, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã bị khởi tố.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy trong năm 2022 (từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022), cơ quan điều tra đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế và 523 vụ về tham nhũng và chức vụ. Trong đó, khởi tố hơn 2.800 vụ, với khoảng 4.300 bị can. Nổi lên sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán có các vụ án cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings Nguyễn Thành Nhân và cựu giám đốc Công ty cổ phần ASA Nguyễn Văn Nam.
Lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì "nóng" với vụ án liên quan đến cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, cùng đồng phạm thông qua phát hành chín gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ của hơn 6.000 nhà đầu tư. Ngoài ra, còn có các vụ án sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công.
"Tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn", báo cáo nhận định.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết năm qua, cơ quan thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 79.000 tỉ đồng, gần 11.000ha đất và đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 538 vụ, 306 người. Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với lợi ích nhóm có chiều hướng gia tăng.
Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán..., xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan...
Thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ, không được suy đoán, chứng cứ đến đâu xử lý đến đấy và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả.
Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu trước Quốc hội
Cẩn trọng trong xử lý
"Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" là cam kết của bộ trưởng Bộ Công an và viện trưởng Viện KSND tối cao tại hội nghị gặp mặt của Chính phủ với doanh nghiệp vào tháng 5-2022. Dù nhận định "các vụ án về tội thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây rúng động thị trường chứng khoán Việt Nam", đại biểu Mai Thị Phương Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - bày tỏ nhất trí với quan điểm "không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế".
Bà Hoa cũng đồng tình với việc Bộ Công an chủ động cung cấp thông tin và phản bác tin đồn thất thiệt giúp ổn định thị trường, ổn định tâm lý xã hội, góp phần bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư làm ăn chân chính. Bà kiến nghị sửa đổi luật về thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp để khắc phục các sơ hở. Xử lý nghiêm các cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan, nếu có đầy đủ dấu hiệu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp và nâng cao chất lượng kiểm toán.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cần hiểu người kinh doanh có sai phạm về mặt kinh tế nên xử lý bằng công cụ kinh tế. Trong đó có thể xử phạt rất nặng, không chỉ ở số tiền kiếm lợi được mà xử phạt gấp nhiều lần tiền kiếm lợi được. Việc xử phạt nghiêm minh như vậy sẽ răn đe những người có mưu đồ kiếm lợi bất chính.
"Với những tổ chức, cá nhân vẫn cố tình tìm mọi mánh khóe để lừa đảo, thao túng, gây ra hậu quả lớn trong xã hội, nhất là các yếu tố tạo ra bất ổn định an ninh, chính trị, kinh tế phải sử dụng các công cụ mạnh hơn về hình sự để xử lý. Song đây là điều không mong muốn. Để tránh các trường hợp này điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm, ngăn chặn sớm và xử lý ngay từ đầu", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, hiện nay có rất nhiều công cụ, thậm chí có cả bộ máy quản lý, giám sát. Với các lĩnh vực liên quan đến tài sản công thì có cơ quan kiểm toán, thanh tra. Với khu vực kinh doanh của tư nhân có các quy định luật pháp, các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đó phải phát hiện kịp thời để xử lý sai phạm. "Chính người dân tham gia vào quá trình đó cũng phải cung cấp thông tin, còn nếu tiếp tay, che đậy cho tội phạm lừa đảo thì rất khó xử lý", ông Cường nói.
Tình hình thu hồi tài sản các vụ án về tham nhũng, kinh tế trong năm 2022 theo báo cáo của Chính phủ - Dữ liệu: Tiến Long - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể khắc phục
Xử lý án kinh tế, tham nhũng chức vụ, ngoài việc buộc các cá nhân chịu trách nhiệm hình sự, vấn đề quan trọng là làm sao thu hồi tối đa tài sản phạm tội. Tuy nhiên, theo các báo cáo, việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát có tăng nhưng tỉ lệ vẫn ở mức khiêm tốn. Báo cáo nhiều năm qua cũng cho thấy, dù tỉ lệ thu hồi có tăng nhưng vẫn còn thấp.
Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, năm 2022, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng trong giai đoạn thi hành án mặc dù tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2021, nhất là đối với số phải thi hành về tiền. Tuy nhiên, số có điều kiện thi hành về tiền vẫn còn tồn đọng lớn, chỉ mới thi hành xong gần 16.000 tỉ/khoảng 43.000 tỉ đồng.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng hiện nay, trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi, nên cần phân định, có chính sách xử lý phân hóa.
Ông kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung. Phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) thì chia sẻ, muốn làm tốt việc thu hồi tài sản, phải có biện pháp kiểm soát tốt, từ sớm, từ xa, từ cơ sở, từ khi mới bắt đầu, nhất là với những người có chức vụ, vị trí, tránh việc tẩu tán tài sản. Theo ông Mai, việc phân hóa các hành vi vi phạm trong các vụ án, nhất là kinh tế, chức vụ là cần thiết, giúp xác định rõ nếu việc vi phạm có thể do bất cập, thiếu sót của cơ chế, chính sách, pháp luật thì phân loại để xử lý phù hợp. Còn nếu cố tình, có hành vi vi phạm, trục lợi, phải xử lý nghiêm minh.
* Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội):
Tập trung xử lý cả tham nhũng vặt
Qua báo cáo của các cơ quan, tôi thấy được sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật trong các vụ tham nhũng lớn.
Tuy vậy, các hoạt động phòng chống tham nhũng vặt có vẻ chưa được nhiều. Năm 2022 chỉ xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đây là con số quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra. Thực tế việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp, biếu xén..., nhiều vụ việc còn đòi hỏi "phí bôi trơn" có thể gặp ở trong mọi lĩnh vực.
Dù biết chống tham nhũng vặt rất khó vì tính phổ biến, có đôi khi rất mơ hồ, nhưng tôi đề nghị cần tập trung hơn nữa việc chống tham nhũng vặt, chống tiêu cực. Chính phủ, ban ngành, các cơ quan cũng cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, rà soát thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng vặt. Việc này chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là quần chúng nhân dân.
Do nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, 5 trong số 19 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được giảm mỗi người 6 - 9 tháng tù. Trong ảnh: các bị cáo nghe tòa tuyên án - Ảnh: DANH TRỌNG
* Đại biểu Dương Ngọc Hải (chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM):Quy định cho theo dõi biến động tài sản
Dù đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng quá trình thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện nay bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc thu hồi tài sản bất minh chưa được như kỳ vọng.
Một trong những nguyên nhân do luật hiện nay vẫn quy định nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tiền, tài sản thuộc về cơ quan có thẩm quyền nên người phạm tội luôn tìm thủ đoạn chuyển các tài sản liên quan đến tội phạm thành tài sản khó hoặc không thể xác định được nguồn gốc phạm tội mà có.
Luật phòng chống tham nhũng cũng chưa quy định các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện tài sản có dấu hiệu tham nhũng qua việc kiểm soát tiền, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết để ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch hoặc hủy hoại tài sản.
Do vậy, muốn việc thu hồi hiệu quả, cần hoàn thiện cơ chế và thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Cần có quy định cho phép kiểm soát, theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở mọi thời điểm, kể cả việc tăng, giảm tài sản, thu nhập. Nghiên cứu, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản thông qua việc khởi kiện dân sự như nhiều nước sử dụng. Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định của luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước trong việc khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại những tài sản thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nhưng bị hành vi tham nhũng xâm phạm.
* Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định):
Chống tham nhũng khu vực tư là cần thiết
Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng không chỉ dừng lại trong khu vực công mà đã và đang lan sang cả khu vực tư. Trong đó sự móc ngoặc, kết nối đan xen giữa các cán bộ, công chức, thậm chí cán bộ cấp cao, quan chức với đối tượng tư nhân rất tinh vi, phức tạp. Trong một số trường hợp, khu vực tư chính là nơi "rửa tiền", "sân sau" của những hành vi tham nhũng trong khu vực công.
Bên cạnh đó, các đối tượng bên ngoài nhà nước muốn trục lợi phải tạo quan hệ, móc ngoặc với các cán bộ, công chức, quan chức thông qua việc thực thi pháp luật hay lợi dụng kẽ hở pháp luật hoặc cài cắm các quy định có lợi...
Nói cách khác đó chính là bên ngoài lợi dụng bên trong để tham nhũng về chính sách, cơ chế. Mối quan hệ như vậy sẽ rất nguy hiểm làm cho pháp luật bị bẻ cong, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời cản trở hiệu quả phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.
Do đó việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước cũng chính là để phòng chống tham nhũng khu vực công hiệu quả hơn. Cùng với việc mở rộng sang khu vực tư cần đánh giá tác động, đồng thời các quy định chặt chẽ, phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng vừa không gây khó khăn đến hoạt động của các chủ thể.
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế: cần sửa luật
Trao đổi với Tuổi Trẻ về quan điểm không hình sự hóa quan hệ kinh tế, luật sư Nguyễn Tiến Lập - thành viên cấp cao của Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự - chia sẻ thêm một góc nhìn.
Theo ông Lập, chống tham nhũng lâu nay có thực trạng là bỏ tù được nhiều nhưng tài sản thu hồi được ít, giờ cần khuyến khích người vi phạm trả lại tài sản để thu hồi được nhiều hơn, bất đắc dĩ mới bỏ tù.
Tuy vậy, cũng không nên nhìn tội phạm tham nhũng như quan hệ dân sự thông thường vì tội phạm tham nhũng không phải tội phạm kinh tế đơn giản mà là tội phạm có yếu tố chức quyền. Quan chức tham nhũng là phản bội lại niềm tin của nhân dân, của Đảng.
Quan chức được đặt vào chức vụ quyền hạn họ mới tham nhũng được nên không thể so sánh với tội trộm cắp thông thường. Nếu chúng ta dân sự hóa mà không bỏ tù sẽ khuyến khích tham nhũng nhiều hơn, trong khi điều tra tham nhũng rất khó khăn. Tham nhũng còn gây ra lãng phí, thất thoát rất nhiều thứ nữa nên không thể quan niệm đơn giản về tội phạm tham nhũng.
* Vậy theo ông, phải hiểu rộng về việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế là thế nào?
- Với doanh nghiệp sân sau liên quan tới các vụ án tham nhũng hiện pháp luật vẫn xử bỏ tù và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các khoản lợi bất chính thu được. Điều này cần lưu ý vì quan chức bị bỏ tù thì chỉ cá nhân quan chức bị loại ra khỏi đội ngũ, nhưng chủ một doanh nghiệp, có thể đến mức tập đoàn bị bỏ tù - bị hình sự hóa thì cả doanh nghiệp sẽ gần như tê liệt, dẫn đến chuyện lao động của doanh nghiệp, các quan hệ kinh tế khác của doanh nghiệp cũng tê liệt, ảnh hưởng tới cả chuỗi liên quan.
Vì những thiệt hại đó nên nếu có thể thì ưu tiên xử lý về mặt kinh tế, dân sự với doanh nghiệp liên quan tới các vụ án tham nhũng để thu hồi tài sản và giảm thiểu hình sự hóa, bắt doanh nhân bỏ tù.
Từ đầu năm tới nay thị trường chứng khoán liên tục chao đảo trước những thông tin bất lợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Thế thì phải nhìn nhận thế nào về những vụ việc liên quan đến doanh nghiệp vừa qua, thưa ông?
- Với mỗi vụ án kinh tế lớn, theo tôi, dù không muốn hình sự hóa quan hệ kinh tế vì nó gây tác động rất lớn đối với hoạt động doanh nghiệp, niềm tin thị trường, với cả nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không đưa các cơ quan điều tra hình sự, cơ quan tư pháp vào thực hiện quy trình tố tụng thì không xử lý được sai phạm.
Đây là những vụ việc cực kỳ phức tạp, đan xen, có sự móc nối không chỉ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác kinh doanh với nhau mà còn có sự móc nối với bên khác như ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước... Đây là chủ nghĩa tư bản thân hữu, móc nối với nhau tinh vi, khó có thể xử lý bằng các thủ tục hành chính thông thường nên buộc phải dùng biện pháp cao nhất là hình sự để điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử để đi đến cùng. Đây là điều cực chẳng đã.
* Tuy nhiên, chúng ta đang bàn đến việc không hình sự hóa thì phải làm gì?
- Với những vụ án kinh tế liên quan đến doanh nghiệp, muốn không hình sự hóa quan hệ kinh tế phải sửa Luật tố tụng hình sự. Ở các nước, sau khi điều tra hình sự xong, chủ doanh nghiệp dù đáng bị bỏ tù, phải đưa ra tòa kết án, nhưng nếu doanh nghiệp tự nguyện khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả thì có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Doanh nghiệp được tham gia quá trình đàm phán tùy vào từng vụ việc, chứ không mặc nhiên đưa ra tòa xét xử như Việt Nam.
Tất nhiên, trong điều kiện của Việt Nam sẽ rất khó, muốn áp dụng cơ chế đàm phán thì hệ thống tư pháp phải trong sạch, chuyên nghiệp, và có trách nhiệm giải trình, tránh tiêu cực khi thực hiện. Ngược lại nếu chỉ đi theo hướng hình sự hóa sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
TIẾN LONG - THÀNH CHUNG