Những ngày cao điểm mùa khô, nhiều người dân, nhất là khu vực ven biển ở Tiền Giang, Bến Tre phải sử dụng nước nhiễm phèn mặn trong sinh hoạt hàng ngày.
Người dân miền Tây lấy nước ngọt từ vòi nước công cộng. Ảnh: Đoàn Xá.
Tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng, nuôi thủy sản mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Trúc (48 tuổi, trú xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) cho biết, từ trước Tết gia đình anh đã không sử dụng nước tự nhiên được vì nhiễm mặn mà nước mưa dự trữ cũng cạn kiệt. Tình hình càng trở nên khó khăn khi độ mặn tăng cao (vì nước biển xâm nhập) khiến nguồn nước tự nhiên không thể dùng được. Vì vậy, nhiều gia đình đã phải tới các vòi nước công cộng để lấy nước ngọt về sử dụng.
“Những năm có mưa sớm người dân có thể dự trữ nước mưa để sử dụng, nhưng năm nay, nhiều tháng qua khu vực này không có mưa khiến cho nguồn nước dự trữ cạn kiệt gây khó khăn trong sinh hoạt của nhiều người” - anh Trúc nói.
Thực tế, không chỉ riêng những gia đình như anh Trúc mà hàng trăm hộ dân ở cách xa biển như khu vực huyện Chợ Gạo, TP Mỹ Tho, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) hay Chợ Lách, Bình Đại, TP Bến Tre… (tỉnh Bến Tre), tình trạng xâm nhập mặn cũng diễn biến phức tạp. Do tình trạng này được dự báo sớm nên hiện nay, tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp để cung ứng nguồn nước ngọt sinh hoạt cho người dân, dù khá chật vật.
Theo công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, từ trước Tết Nguyên đán tới nay, nhu cầu sử dụng nước ở khu vực phía Đông của tỉnh (gồm địa bàn huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông… nằm giáp biển) đã tăng rất cao. Nguyên nhân là nguồn nước tự nhiên nhiễm mặn, nguồn nước dự trữ đã cạn (vì cuối mùa khô) nên người dân chỉ có thể sử dụng nước máy. Hiện đã xuất hiện tình trạng nước yếu, thiếu nước cục bộ ở một số nơi kể trên. Theo đánh giá nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ở khu vực phía Đông của người dân khoảng 80.000m3/ngày đêm trong khi nhà máy nước Đồng Tâm, nơi cung cấp nước chỉ có năng lực khoảng 60.000m3/ngày đêm. Vì vậy, chính quyền địa phương đã phải sử dụng các trạm bơm nước tại chỗ và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã mở thêm 25 điểm (vòi) cung cấp nước miễn phí tại khu vực phía Đông cho người dân. Trong đó, huyện Gò Công Đông là 18 vòi, Tân Phú Đông là 7 vòi. Bên cạnh việc nỗ lực cung ứng nước sạch cho người dân, hiện chính quyền địa phương tỉnh Tiền Giang cũng nỗ lực tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích.
Tương tự, tại nhiều huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre, tình trạng nước nhiễm mặn cũng ảnh hưởng nhiều tới đời sống sinh hoạt của người dân. Trong đó tại một số huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú… người dân phải sử dụng máy cày, xe ba gác, xe gắn máy đi chở nước từ các vòi nước máy hay xe bồn. Thậm chí nhiều hộ dân phải mua nước ngọt với giá từ 70.000 tới 150.000 đồng/m3 của các đơn vị tư nhân cung cấp.
Theo ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Bến Tre thì đơn vị đang quản lý 5 nhà máy nước với công suất 70.000m3/ngày đêm, cung cấp nước cho TP Bến Tre và nhiều huyện lân cận.
Cũng theo ông Bình, bản thân công ty cũng phải mua nước ngọt từ các sà lan chở trên thượng nguồn về để cung cấp cho nhà máy nước do nguồn nước tự nhiên thô ở sông vượt độ mặn cho phép. Việc mua nước này khiến công ty sẽ bị lỗ khoảng 4,8 tỷ đồng/tháng dù đã tăng giá nước sạch bán ra thêm một chút.
Trong khi đó, theo Đài khí tượng thủy văn Bến Tre, độ mặn trên các sông chảy qua địa bàn TP Bến Tre (cách biển khoảng 50 - 60km) nhiều ngày qua đang ở mức 5 phần nghìn (gấp khoảng 10 lần cho phép). Dự báo trong những ngày tới, độ mặn ở khu vực sẽ tiếp tục tăng và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống, sản xuất của hơn 50.000 hộ dân trong vùng.
Có thể nói, dù biết trước tình trạng xâm nhập mặn nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, một số địa phương ven biển ở miền Tây Nam Bộ vẫn chật vật trong việc ứng phó, cung cấp và đảm bảo nguồn nước sạch với người dân, nhất là những năm tình trạng xâm nhập mặn phức tạp như hiện nay.